Friday, 27 October 2017

MỘT MUỖNG MUỐI

Trong tu viện ai ai cũng vui tươi, hòa nhã. Duy chỉ một người luôn mang gương mặt cau có, hờn giận. Chàng ta thường phàn nàn, oán trách đối với mọi người. Một hôm vị linh mục viện trưởng đến thăm và ngồi hàng giờ nghe anh đem hết chuyện nầy đến chuyện nọ, hết người nầy đến người kia ra chỉ trích, phiền muộn.
Linh mục viện trưởng chẳng nói một lời. Cuối cùng bảo anh đưa một muỗng muối đầy với một ly nước lạnh. Người bỏ muối vào ly quậy tan và bảo anh ta uống. Vừa nhấp môi, anh nhổ toẹt:
-         Thưa cha, nước mặn như thế nầy sao lại bảo con uống. Bộ cha muốn con chết hay sao?
Vị viện trưởng bảo đem ra một muỗng muối khác. Lần nầy người hòa tan vào bồn chứa lớn và bảo anh múc uống. Anh ta vui vẻ thưa:
-         Thưa cha, nước nầy vẫn ngọt như thường ạ.
Bấy giờ linh mục mới nói:
-         Con ạ, những thống khổ, phiền muộn, bất bình trong đời cũng giống như muối. Độ mặn nhạt của nó tùy thuộc vào vật chứa đựng mà ra. Con nguyện làm một ly nước nhỏ hay một hồ nước lớn?
Từ đó, người ta thấy chàng tu sinh không còn thốt lên những lời cay đắng, oán giận. Thay vào đó là một tấm lòng rộng mở sẵn sàng đón nhận mọi cảnh ngộ vui buồn trong cuộc đời với thái độ khoan dung.
Biết bao người gây cho ta phiền muộn, bất bình. Có thể là vô tình, có thể cố ý. Nhưng nếu trong ta sở hữu một tấm lòng độ lượng, rộng rãi và tha thứ, thì sẽ không thấy quá nặng nề, khó chịu. Tấm lòng càng bao dung, nỗi bực dọc càng nhẹ tênh. Bởi thế, Thánh Kinh thường nhắc nhở rằng: “Hãy bỏ khỏi anh em những cay đắng buồn giận. Hãy ở với nhau cách nhơn từ, đầy dẫy lòng thương xót, tha thứ nhau như Đức Chúa Trời đã tha thứ anh em trong Đấng Christ vậy” (Ê-phê-sô 4:31-32)
Nhơn Từ, Yêu Thương và Tha Thứ là ba yếu tố cần thiết để một ly nước nhỏ có thể trở thành hồ nước lớn.

Lê Trần

Wednesday, 18 October 2017

XIN LOẠI RA KHỎI DANH SÁCH

Vợ anh nông dân vừa mới chết. Anh nhờ một vị tăng ni đến tụng kinh để chị được siêu thoát. Sau khi tụng xong anh hỏi: ‘Thưa thầy, thầy có tin rằng vợ của con hưởng được phước đức qua thời kinh của thầy không?’ Vị tăng già trả lời: ‘Chẳng những vợ của gia chủ hưởng phước mà tất cả chúng sinh cũng đều chung hưởng nữa!’
Anh chồng thưa: ‘Nếu thầy bảo tất cả chúng sinh đều hưởng chung phước hạnh, con e rằng họ sẽ dành hết, vì vợ của con rất yếu đuối. Xin thầy vui lòng chỉ tụng riêng cho vợ của con thôi’.
Vị tăng già giải thích rằng người có tâm tính đạo đức tốt lành lúc nào cũng sẵn sàng chia xẻ công đức cho tất cả chúng sinh.
‘Đó là một giáo lý cao thượng’, anh nông dân ngập ngừng nói: ‘Nhưng xin thầy dành cho con một ngoại lệ. Con có thằng hàng xóm hung ác xấu xa, lúc nào cũng xử tệ với con. Xin thầy loại nó ra khỏi danh sách chúng sinh kia nhé!’.
Tâm tính thường tình của con người là muốn tất cả cho mình, cho người mình thương. Những ai gây phiền não, khó chịu, chẳng những mình ghét mà cũng muốn mọi người cùng ghét, ngay cả Chúa Phật cũng phải đứng về phe mình để nhận chìm họ xuống. Tôi muốn người đó phải thất bại, phải bị quả báo, phải bị loại ra khỏi thành phần hưởng được những ân huệ Chúa ban. Nếu tình yêu của Ngài bao phủ toàn thể chúng sinh, thì Ngài cũng phải nhớ có một vài người tôi đang căm hận, và họ phải nằm ngoài danh sách đó.
Bạn có bao giờ đọc được những lời kỳ diệu nầy chưa?  “Nếu các con chỉ yêu thương những người yêu mình thì tốt đẹp gì đâu? Người gian ác cũng yêu nhau lối ấy. Nếu các con chỉ kết thân với anh em mình thì có hơn gì người khác? Người ngoại đạo cũng kết thân như thế. Các con phải toàn hảo như Cha các con trên trời” (Ma-thi-ơ 5:46-48-Bản Diễn Ý).

Có mấy ai trong chúng ta đạt đến cảnh giới cao đẹp nầy nhỉ!

Monday, 16 October 2017

GẮN "CHIP" VÀO TAY

Tháng 7 năm 2017, đài BBC loan tin công ty Three Square Market ở tiểu bang Wisconsin Hoa kỳ bắt đầu gắn những con chip điện tử vào tay nhân viên. Con chip trị giá 300 đô-la nầy mang sóng vô tuyến nhận diện, có thể dùng mở cửa văn phòng, đăng nhập vào máy computer hay trả tiền khi mua thức ăn.
Đã có 50 nhân viên tình nguyện không chút do dự để được gắn chip vào tay. Trong những ngày tới, tất cả mọi người trong công ty đều sẽ được gắn. Rất dễ dàng, dùng kim tiêm khi gắn vào, lúc lấy ra chỉ như nhổ cái giầm nhỏ. Ít giây là xong.
Vài người nêu lên thắc mắc rằng liệu công ty có thể dùng nó để theo dõi từng đường đi nước bước của nhân viên chăng? Ông phó giám đốc cho biết nó chỉ như một chiếc chìa khoá mở cửa, hay một thẻ ngân hàng để mua sắm, chứ không mang chức năng của máy định vị GPS. Tương lai mọi người sẽ không cần mang theo ví tiền hay chìa khoá. Mục đích là để đơn giản sinh hoạt trong công ty. Họ chỉ cần đưa tay lên ổ khoá mở cửa, hay giơ tay vào máy tính tiền khi mua thức ăn. 
Bạn sẵn lòng nếu được yêu cầu gắn một con chip vào tay mình không? Lần giở Thánh Kinh chúng ta sẽ thấy có ghi lại một khoảnh khắc kinh nghiệm của sứ đồ Phao-lô như sau: "Ước gì từ rày về sau, chẳng ai làm khó cho tôi, vì trong mình tôi có đốt dấu vết của Đức Chúa Giê-xu vậy" (Ga-la-ti 6:17). Khi trở thành tín đồ của Chúa Cứu Thế, Phao-lô đã tình nguyện để Chúa khắc một dấu vết trên thân thề, nhờ đó có thể nhận diện ông mãi mãi thuộc về Ngài. Đây là niềm tự hào suốt cuộc đời theo Chúa của vị sứ đồ yêu dấu.

Bạn có muốn mình cũng được đốt dấu vết của Chúa trong mình chăng?

HAI MẶT CỦA ĐỒNG TIỀN

Có lẽ người chồng thích đồ ăn Ấn-độ, nhưng vợ lại không chịu nổi mùi cà-ri. Hoặc là bạn thích món ăn Tàu, nhưng người kia chỉ ưa món Nhựt. Bạn lấy làm phiền? Xin hãy khoan buồn bực hay cãi vả. Vì theo nghiên cứu của viện đại học Wroclaw ở Ba-lan, bạn chỉ cần thêm một chút thời gian. Cuộc nghiên cứu đưa đến kết luận rằng những cặp vợ chồng chung sống càng lâu càng trở nên giống nhau ý thích mùi vị và cách thưởng thức những món ăn.
Sau nhiều năm ăn cùng mâm, ngủ cùng giường, tự nhiên họ hoà hợp với nhau cách ăn uống, cách nêm nếm mà trước đây đã từng khác biệt.
Nhưng đây chưa phải là tất cả. Kết qủa nghiên cứu còn cho biết rằng những cặp mà từ ngày mới quen nhau đã có cùng sở thích về mùi vị lại có cuộc sống lứa đôi ít đằm thắm và ít có hạnh phúc lâu dài. Thật là kỳ lạ! Điều nầy cho thấy dù có cùng sở thích hay khác sở thích đều có ưu điểm và khuyết điểm của nó. Người ta nói đồng tiền nào cũng có hai mặt là thế.
Trong đời sống vợ chồng, hay giữa cha mẹ con cái, giữa bạn bè với nhau, chúng ta vẫn thường mang tâm trạng đòi hỏi người khác phải như mình, phải giống mình. Chúng ta quên rằng sự khác biệt có khi là cần thiết và hữu ích.
Thiên Chúa ban cho mỗi người một cá tính khác nhau như mỗi màu sắc cho từng bông hoa, rồi khi chung sống trong xã hội sẽ biến thành một khu vườn muôn màu muôn vẻ. Đem từng người riêng lẻ, thấy khác biệt. Nhưng nhìn vào tập thể sẽ thấy lóng lánh như hàng vạn màu sắc trên viên kim cương xinh đẹp. Hột xoàn chỉ toàn màu đen hay màu trắng, nhìn chán lắm!

Sứ đồ Phao-lô khi viết "Tôi trở nên mọi cách cho mọi người" có phải ông hàm ý chấp nhận sự khác biệt của tha nhân chăng? Xin viết ra nguyên câu: "Tôi ở yếu đuối với những người yếu đuối, hầu được những người yếu đuối; tôi đã trở nên mọi cách cho mọi người, để cứu chuộc một vài người không cứ cách nào" (I Cô-rinh-tô 9:22). Chấp nhận nhau vì mục đích thiên thượng là tư tưởng cao đẹp của vị sứ đồ đáng kính.