NGÀY
QUỐC TẾ NGƯỜI CAO TUỔI
Nhiều
bậc cao niên trải qua ngày Chủ Nhật 1 tháng 10 trong lặng lẽ, bình thường như
những ngày khác trong năm. Ít người biết rằng từ năm 1990, Đại Hội Đồng Liên Hiệp
Quốc đã tiến hành bỏ phiếu công nhận 1 tháng 10 hằng năm là ngày Quốc Tế Người
Cao Tuổi.
Ngày
Quốc Tế Người Cao Tuổi được viết tắt là IDOP của tiếng Anh International Day of
Older Persons. Ý niệm nầy đã manh nha từ đại hội về tuổi già tổ chức tại nước Áo
(Austria) vào năm 1982 với 3000 đại biểu từ khắp nơi trên thế giới. Đến năm
1990 Liên Hiệp Quốc chính thức công nhận 1 tháng 10 hằng năm là ngày đặc biệt
dành cho các vị bô lão. Nghị quyết nầy nhằm khuyến khích chính phủ và nhân dân
các nước thành viên phải nhận thức những đóng góp của người cao tuổi trong cộng
đồng xã hội, quan tâm, chăm sóc và giải quyết những nhu cầu hằng ngày để họ có cuộc
sống đầy đủ, vui vẻ và an bình ở tuổi xế chiều.
Đã
hơn 30 năm, từ khi nghị quyết ra đời, nhiều nơi trên thế giới còn sống trong
nghèo túng, nên quyền lợi nầy thường bị lãng quên. May mắn cho những ai định cư
tại những quốc gia tiên tiến, dù đã về hưu lâu năm vẫn được chu cấp vẹn toàn, không
cần phải ngửa tay xin tiền con cái. Cầu mong cho mọi người ở khắp nơi đều an hưởng
tuổi già trong chăn êm, nệm ấm.
Nói
đến những đóng góp của tuổi già, người Việt Nam ai ai cũng liên tưởng đến Hội
nghị Diên Hồng. Trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc, người cao tuổi
luôn là gương mẫu, tạo động lực cho giới trẻ noi theo. Khi quân Nguyên xâm lược
nước ta lần thứ hai, tháng Chạp năm Giáp Thân 1284, vua Trần Nhân Tông mở Hội
nghị Diên Hồng để hỏi ý kiến các vị bô lão về chủ trương ‘Hòa hay Chiến’. Với
quyết tâm gìn giữ bờ cõi non sông, các vị đồng thanh hô to ‘nên đánh’. Ý chí đó
đã kết thành hào khí dân tộc để vua tôi muôn người như một cùng nhau viết nên
trang sử oai hùng, dù phải hi sinh xương máu.
Lần
giở Kinh Cựu Ước của người Do Thái người ta thấy có ghi lại câu chuyện một ông
già 85 tuổi nài xin vị lãnh tụ cho mình xông pha vào trận mạc để đánh đuổi kẻ
thù có hình vóc khổng lổ đang ngăn cản công cuộc bình định dân tộc. Ông nói: ‘Bây
giờ tôi đã 85 tuổi, nhưng vẫn còn sức lực của một thanh niên trai tráng. Tôi có
thể xông pha binh lửa. Xin ông hãy cho tôi tham dự trận chiến nầy, Chúa sẽ ở
cùng tôi để tôi đánh đuổi chúng ra khỏi bờ cõi nước ta’. Chàng ‘thanh niên lớn
tuổi’ ấy chính là Ca-lép, sống 3400 năm trước!
Điểm
nhấn trong nghị quyết Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc khi chọn 1 tháng 10 hằng năm
làm ngày Quốc tế cho Người Cao Tuổi không những khuyến khích cộng đồng thế giới
chăm sóc chu đáo các bậc cao niên, mà còn xiển dương nhận thức không xem họ là
gánh nặng của xã hội, bởi vì khi con tim còn đập, khi máu còn lưu thông trong
huyết quản, thì dù ở lứa tuổi nào cũng có thể góp phần vào sự tồn vong của quốc
gia, dân tộc.
Lê
Trần (1/10/2023)
No comments:
Post a Comment