Thursday, 24 May 2018

THẬP TỰ XƯA (THÁNH CA 374)


Thập tự xưa sừng sững cao, dựng tận trên sườn núi xa, như tiêu biểu cho muôn sầu khổ sỉ nhục.
Lòng tôi yêu thập giá xưa, nơi Vua vinh diệu chí cao, thay nhân thế hư hoại chết cách đau thương.
Lòng tôi say mê bóng dáng thập tự xưa. Vui lòng đầu phục tận hiến cả cuộc đời.
Lòng ôm ấp mối quyến luyến với thập tự. Sẽ biến nên mão vinh diệu cho chính tôi.
Tác giả của bài thánh ca đầy xúc động nầy là Mục sư George Bernnard, sinh năm 1873, sống thọ 75 tuổi. Năm 16 tuổi cha ông mất đi, để lại gánh nặng mẹ già và 4 đứa em gái, vì thế ông không học hành đến nơi đến chốn. Khi lớn lên lập gia đình và làm việc cho Hội Salvation Army. Mỗi Chúa Nhật ông bà sinh hoạt với Hội Thánh Giám Lý và lần hồi trở nên một nhà truyền đạo.
Suốt những năm đầu trong chức vụ ông luôn quỳ gối cầu nguyện xin cho thấu hiểu ý nghĩa trọn vẹn của thập tự giá và sự chết của Cứu Chúa. Đến một lúc dường như được mặc khải cách kỳ diệu, ông thốt lên: “Tôi đã thấy Đấng Christ của thập tự giá, tôi như chiêm ngưỡng Ngài đang hành động trong sự cứu rỗi”. Từ trải nghiệm đó một bài thơ đã hình thành trong tâm trí của ông. Bài thơ đó được phổ thành ca khúc “The old rugged cross” (Thập Tự Xưa).
Ngay lập tức bài hát được phổ biến rộng rãi, mọi người biết đến. Ở từng gia đình, từng buổi nhóm lớn nhỏ, bệnh viện, nhà thờ và ngay cả trong tù. Các phạm nhân trong nhà lao đã gọi “Bài thánh ca của tù nhân” bởi nó được phủ đầy năng lực để chữa lành tâm linh, khích lệ kẻ ngã lòng và an ủi người sầu thảm.
Ngày nay Bạn đến thành phố Reed ở Michigan sẽ thấy có một cây thập tự cao 3.6 mét để vinh danh người đã soạn nên ca khúc. Trên cây thập tự có ghi “Nơi đây là nhà của tác giả bài thánh ca Thập Tự Xưa”. Trong suốt 45 năm hầu việc Chúa, Mục sư George Bernnard đã soạn hơn 350 bài thánh ca nhưng không một bản nào để lại dấu ấn sâu đậm như bài hát “Thập Tự Xưa”.
“Đương khi người Giu-đa đòi phép lạ, người Gờ-réc tìm sự khôn ngoan, thì chúng ta giảng Đấng Christ bị đóng đinh trên cây thập tự” (I Cô-rinh-tô 1:22-23).

Friday, 18 May 2018

NGƯỜI CÓ CÁNH TAY VÀNG



Ông James Harrison, một người Úc 78 tuổi, đã làm một việc phi thường: hiến máu 1173 lần trong vòng 60 năm qua. Lượng máu ông cho đi đã cứu sống 2 triệu 400 ngàn trẻ em.
Ông kể lại rằng vào năm 1951, lúc được 14 tuổi, ông bị bịnh phải cắt bỏ một lá phổi. Ông đã được cứu sống nhờ nhận 13 lít máu từ những người xa lạ. Sau ca mổ đó, ông tâm nguyện sẽ làm người hiến máu khi đủ tuổi được phép. Tuy nhiên, không ngờ việc đó đã vượt ra ngoài điều ông tưởng tượng, vì trong máu của ông có một loại kháng thể đặc biệt có thể cứu sống hàng triệu đứa bé mắc chứng bịnh rhesus.
Bệnh rhesus được y khoa Úc phát hiện vào năm 1967, mỗi năm có đến cả ngàn trẻ em chết vì chứng bệnh nầy. Biểu hiện của căn bịnh nầy là kháng thể của người mẹ tiêu diệt các tế bào máu của thai nhi, xảy đến nhiều trường hợp sẩy thai hoặc em bé sơ sinh bị tổn thương não. Lạ thay trong máu của ông Harrison nầy có một kháng thể đặc biệt tạo ra chất Anti-D nhằm chữa bịnh rhesus. Hội Hồng Thập Tự Úc cho biết nhờ máu của ông đã cứu được 2.400.000 em bé suốt 60 năm qua. Ông là một trong 50 người Úc sở hữu loại kháng thể quý báu nầy.
Cứ ba tuần ông hiến máu một lần. Cho đến nay, sau 60 năm, ông đã đạt kỷ lục hiến máu lần thứ 1173. Harrison nói: “Tôi mong sẽ có người vượt qua kỷ lục nầy. Bởi vì nhờ đó chúng ta sẽ cứu được nhiều mạng sống hơn”.
Vào Thứ Sáu vừa qua, 11 tháng 5, 2018 tại Sydney Town Hall ông đã thực hiện ca hiến máu cuối cùng. Bên giường ông người ta treo những bong bóng có hàng số 1173 để ghi nhận số lần ông đã đến đây. Theo quy định của Hội Hồng Thập Tự, ở tuổi 81 như ông cần phải ngưng hiến máu để bảo vệ sức khỏe. Vị cựu nhân viên hỏa xa Harrison phát biểu cảm tưởng: ‘Thế là chấm dứt một thời kỳ hạnh phúc. Tôi lấy làm buồn vì tưởng rằng mình còn có thể tiếp tục nhiều hơn nữa”.
Thật ra những gì ông làm đã vượt lên trên kỳ vọng của mọi người, cho đến nỗi cô Robyn Barlow, một nhân viên phụ trách hiến máu đã nói: ‘Mỗi lần nghĩ đến sự cống hiến của ông, tôi đều bật khóc’. Phát ngôn viên Hồng Thập Tự thì nói: ‘Hội chúng tôi tại Úc không đủ lời để cảm ơn ông. Từ nay chúng tôi khó mà tìm được một người sẵn lòng hiến tặng bền bỉ như vậy’. Chính phủ Úc đã trao tặng huy chương Medal of the Order để thể hiện sự tri ân. Và chính con gái của ông cũng đã từng nhờ sự hiến tặng máu của cha mà giữ được mạng sống của hai đứa con. Cô nói: ‘Cảm ơn bố đã cho con cơ hội để có hai đứa con khỏe mạnh’. Còn rất nhiều người nữa. Nghe như thế ông chỉ cười nói: ‘Có phải tôi đã tạo ra nạn nhân mãn trên trái đất nầy chăng? Thật ra cứu một đứa trẻ thì tốt, cứu hàng triệu đứa trẻ là điều kỳ diệu. Tôi vui mừng đã làm được điều đó’.

Quả thật James Harrison là một người có cánh tay bằng vàng. Nhưng hơn thế nữa, ông còn có trái tim bằng vàng để sẵn lòng hiến tặng cho tha nhân.

19/5/2018

Tuesday, 15 May 2018

TA SẼ CHUNG NHÓM Ở THIÊN HÀ (THÁNH CA 345)


Mục sư Robert Lowry là người chăn bầy cho một Hội Thánh tại thành phố New York. Vào năm 1864 thời tiết tại đó bỗng dưng khắc nghiệt, vừa oi bức vừa ẩm ướt cách khác thường. Và rồi một trận dịch kinh hồn bắt đầu quét ngang thành phố. Ở đô thị đông đúc, hết người nầy đến người khác lần lượt ngã xuống. Người chết càng lúc càng nhiều.
Mục sư Robert Lowry đi thăm từ nhà nầy qua nhà nọ, ủy lạo người bệnh, an ủi gia đình có tang chế. Một câu hỏi nhiều tín đồ nêu lên cứ vương vấn mãi trong tâm hồn ông: Thưa Mục sư, chúng ta sẽ chia tay trước ngưỡng cửa sự chết, liệu rồi đây sẽ còn gặp nhau nữa hay không? Ông chỉ biết an ủi họ rằng dù hạnh phúc bây giờ tan vỡ, nhưng rồi sẽ vẹn toàn ở dòng sông bên ngai Đức Chúa Trời, như lời Thánh Kinh: “Thiên sứ chỉ cho tôi xem sông nước sự sống, trong như lưu ly, từ ngôi Đức Chúa Trời và Chiên Con chảy ra” (Khải Huyền 22:1). Ông cứ nhắc đi nhắc lại mãi lời hứa nầy với hàng trăm gia đình phủ trong màu tang chế, khi người thân và bạn bè lần lượt ra đi.
Vào một buổi chiều nọ, vị Mục sư mệt mỏi trở về phòng khách, trong cái nóng bức kinh hồn và số người chết nhiều vô kể, ông chán nản ngồi vào cây đàn phong cầm để tìm chút lắng đọng bằng âm nhạc, mong có vài phút giải thoát khỏi những cảm xúc đè nặng trong tâm. Ông nhớ đến những đứa trẻ xinh đẹp như thiên thần đã không chịu nổi sự tàn hại của bệnh dịch. Ông nghĩ đến những thanh niên thiếu nữ, đàn ông đàn bà đã nằm xuống trước lưỡi hái tử thần. Và đột nhiên câu hỏi lại trở về: Chúng ta sẽ gặp nhau lại chăng? Giữa sự xâu xé đó, dòng nhạc bỗng trào dâng. Bắt đầu bằng một thắc mắc như có chút ngờ vực, nhưng rồi bởi đức tin mạnh mẽ, câu trả lời thật sinh động và dứt khoát: “Vâng, ta sẽ chung nhóm ở thiên hà!”.
Phải chăng sau nầy họp trên sông vàng. Nơi muôn thiên sứ hay lai vãng?
Sông kia tuôn dòng lưu ly muôn đời. Lưu ra từ ngôi Đức Chúa Trời.
Vâng, ta sẽ chung nhóm ở thiên hà. Là sông đẹp xinh không thể thuật ra.
Sông đây nơi họp của thánh dân muôn đời. Sông tràn từ ngôi Đức Chúa Trời”.
Bài hát đã trở thành một thánh ca bất hủ suốt dòng lịch sử giáo hội gần 200 năm qua.

Sunday, 6 May 2018

TÔI GỌI NGƯỜI LÀ MẸ



Ở miền quê hẻo lánh có môt người phụ nữ đơn thân, bụng mang dạ chửa. Vào một đêm giông bão, cô đau bụng dữ dội và biết mình sắp sanh. Cô quyết định đi đến bệnh xá cách đó rất xa. Trên đường đi phải băng qua một chiếc cầu nhỏ. Khi tới giữa cầu cô đau đến mức không thể đi được nữa. Cô quyết định luồng xuống gầm cầu để hạ sinh con mình tại đó.

Sáng hôm sau có một người phụ nữ giàu có chạy xe qua cầu thì bỗng dưng chết máy, khi bước xuống chị ta nghe tiếng khóc bé thơ vang lên đâu đó. Không thể dửng dưng, chị lần xuống dưới gầm cầu và thấy đứa bé quấn trong những lớp quần áo dày, còn người mẹ đã chết cóng vì không mảnh vải che thân. Người phụ nữ tốt bụng ầy đem đứa bé về nuôi, đặt tên nó là Billy.

Vào sinh nhật thứ mười của Billy, chị kể lại cho cậu nghe câu chuyện. Cậu bé im lặng cúi đầu. Bỗng dưng nó yêu cầu chị dẫn tới ngôi mộ của người mẹ xấu số dù trời đang giữa mùa đông giá lạnh.

Đến nơi, Billy xin cho được ở bên mộ mẹ một mình. Người mẹ nuôi đi ra xa nhưng vẫn để mắt theo dõi. Nó đứng trước mộ, lần lượt cởi từng lớp áo khoác của mình ra. Chị ngạc nhiên nhưng suy nghĩ: ‘Chắc nó không cởi hết đâu, trời đang lạnh thế nầy’. Thế mà cậu bé cởi hết quần áo trên người, đến khi không còn mặc gì nữa. Chị hốt hoảng chạy đến, thấy đứa bé bật khóc nức nở và ôm mộ mẹ nó mà hỏi: “Mẹ ơi! Lúc ấy chắc mẹ lạnh lắm phải không?”.


Chung quanh tôi có hàng vạn con người,
Nhưng trong tôi chỉ có một người thôi.
Người ấy trao cho tôi sự sống
Và đã cho tôi hiểu vẻ đẹp cùng ý nghĩa cuộc đời.
Tôi gọi Người là Mẹ.

“Hãy làm cho cha mẹ con được vui vẻ.
Hãy làm cho NGƯỜI MẸ sinh ra con được vui thỏa vì con”.             
Châm Ngôn 23:25 (Bản dịch 2011)