Bài tham luận 3:
LÃNH ĐẠO VỚI TINH THẦN ĐỒNG ĐỘI
Vào năm
1284, quân Nguyên xâm chiếm nước Việt lần thứ hai. Thế giặc mạnh như chẻ tre,
triều đình phải bôn tẩu khỏi kinh đô Thăng Long, đi lánh nạn. Đang lúc sơn hà
nguy biến đó, thượng hoàng Trần Thái Tông đã triệu tập hội nghị Diên Hồng. Đại
Việt Sử Ký Toàn Thư ghi lại như sau: “Thượng hoàng triệu phụ lão trong nước họp
ở thềm điện Diên Hồng, ban yến và hỏi kế đánh giặc. Các phụ lão đều nói “Đánh!”.
Muôn người cùng hô một tiếng, như tất cả bật ra từ một cửa miệng”. Và những bậc
kỳ tài như Trần Hưng Đạo, Trần Quang Khải, Trương Hán Siêu, Yết Kiêu, Phạm Ngũ
Lão, Trần Quốc Toản... đã hiệp nhất với hàng hàng lớp lớp quân dân đánh đuổi
giặc ngoại xâm, giành lại giang sơn, bờ cõi. Bởi thế mà người Việt vẫn thường nói:
“Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao”. Dân tộc ta luôn đề
cao tinh thần đoàn kết, tinh hoa của sự làm việc đồng đội.
Lịch sử
Trung Hoa cũng ghi lại cuộc chiến lẫy lừng tại Xích Bích vào năm 208 sau Công
nguyên, giữa liên minh Thục Hán – Đông Ngô chống lại Tào Tháo. Mặc dù quân số của
Lưu Bị và Tôn Quyền chỉ vỏn vẹn 50,000 người, chống lại với 220,000 quân Tào,
nhưng số người nhỏ nhoi đó đã oanh liệt chiến thắng đoàn quân đông đảo của Tào
Tháo. Đành rằng kế sách đã hình thành dưới trướng của Chu Công Cẩn và Khổng
Minh Gia Cát, nhưng sự đóng góp của bao anh hùng hào kiệt đương thời, “liên
hoàn kế” mới thành tựu. Đọc lại những trang sử oai hùng đó, chúng
ta quả phải khâm phục tinh thần đồng đội của người xưa.
Thánh
Kinh Cựu ước ghi lại hai câu chuyện đáng cho chúng ta học hỏi về sự làm việc đồng
đội. Câu chuyện thứ nhất ghi trong sách Xuất Ê-díp-tô Ký 18:8-13. Trên hành trình
xuyên sa mạc, dân A-ma-léc đã xông đến khiêu chiến với dân sự Chúa. Mồi -se sai
Giô-suê dẫn tráng sĩ xông trận. Nhưng cuộc chiến dường như bất phân thắng bại. Ở
trên núi, Mộ-se giơ tay lên trời cầu nguyện, hễ cánh tay giơ lên, dân I-sơ-ra-ên
trổi thắng, nhưng khi mỏi mệt, tay Môi-se xụi xuống, binh lính cũng bị đánh
lui. A-rôn và Hu-rơ giải quyết sự mệt mỏi của Môi-se bằng cách đứng hai bên đỡ
hai tay của ông lên cho đến khi mặt trời lặn và dân I-sơ-ra-ên toàn thắng. Một
câu chuyện rất lý thú của tinh thần đồng đội. Ngược lại, câu chuyện thứ hai ghi
lại trong sách Giô-na. Ông là một tiên tri được kêu gọi cho một sứ mệnh cao đẹp.
Nhưng suốt trong sách chúng ta chi thấy một con người chạy trốn, yếm thế, luôn
cằn nhằn và giận lẫy. Hoàn cảnh lẻ loi mà chúng ta gọi là “đơn thân độc mã” đó
dạy chúng ta ngày nay rằng làm việc, lãnh đạo, phấn đấu một mình trong chức vụ
là điều nên tránh. Phải làm việc chung
trong tinh thần đồng đội!
Bàng bạc
trong Kinh Thánh chúng ta luôn thấy Ba Ngôi Đức Chúa Trời làm việc chung với
nhau. Chúa Giê-xu khi bắt đầu chức vụ, việc đầu tiên của Ngài không phải là giảng
Đạo hay làm phép lạ, mà là tìm kiếm và kêu gọi 12 môn đồ. Những gì ghi lại
trong bốn sách Phúc Âm cho chúng ta thấy Ngài giành thời gian cho họ nhiều hơn
cho đám đông quần chúng. Ngài luôn tìm dịp hướng dẫn, dạy dỗ, huấn luyện họ. Công
tác cứu rỗi Ngài hoàn thành trên thập tự giá, nhưng sứ mệnh rao truyền Phúc Âm
cho toàn thế giới đòi hỏi thời gian, qua nhiều thời đại, với sự góp phần của
nhiều người, mà khởi đầu là 12 môn đồ đã được chọn. Ngài đã từng phán với họ: “Các ngươi biết Ta đi đâu, và biết đường đi
nữa.” (Giăng 14:4). Người lãnh đạo
mang trong mình một hoài bão, một giấc mơ, một khải tượng, nhưng không có nghĩa
tự mình hoàn thành khải tượng, mà là nối kết những người có cùng chí hướng vào đại
cuộc, chia xẻ với họ lý tưởng mình đang đi, cùng với họ nhắm đến mục đích, cùng
chịu gian nan, thử thách và cùng họ ca khúc khải hoàn trong niềm vui thành đạt.
Những
thái độ kẻ cả, duy ngã độc tôn, hiềm khích, ganh tị, nhỏ mọn luôn luôn là những
nguyên do khiến chúng ta thất bại khi làm việc chung với nhau. Học nơi Chúa tâm
tình khiêm cung, hạ mình cúi xuống rửa chơn môn đồ, kiên nhẫn trò chuyện với kẻ
từng chối bỏ mình, khích lệ người không tin sự phục sinh, chia xẻ với những môn
đồ ngã lòng trên đường về Em-ma-ut...chính là thái độ cần có của người lãnh đạo
trong tinh thần đồng đội. Vẻ đẹp của bông hoa sẽ rõ nét hơn, hương vị của thành
công sẽ ngọt ngào hơn nếu có người bên cạnh cùng chia xẻ với chúng ta. Chúa Giê-xu
kêu gọi: “Hãy gánh lấy ách của Ta, và học
theo Ta, thì linh hồn các ngươi sẽ được yên nghỉ, vì ách Ta dễ chịu và gánh Ta
nhẹ nhàng” (Ma-thi-ơ 11:29-30). Đâu có cái ách nào dễ chịu? Và gánh nặng
sao gọi là nhẹ nhàng? Ách chỉ dễ chịu vì có Chúa cùng mang với chúng ta. Gánh nặng
trở nên nhẹ nhàng vì Ngài sẽ cùng chung
vai gánh vác với chúng ta. Đó há không phải là một tinh thần đồng đội tuyệt vời
sao?
Vua
Sa-lô-môn khôn ngoan đã khuyên những nhà lãnh đạo nên có xung quanh mình những
mưu sĩ, những cố vấn, những người cùng chung làm việc. Ông nói: “Dân
sự sa ngã vì không có sự hướng dẫn, nhưng nếu có nhiều mưu sĩ sẽ có sự bình an”
(Châm ngôn 11:14) và “Nhờ có nhiều mưu
sĩ, mưu định được thành” (Châm ngôn 15:22). Dĩ nhiên là chúng ta phải khôn
ngoan trong sự chọn người và phải chọn những ai có cùng chí hướng, cùng tâm tình.
Nhưng không có nghĩa là chọn những người chỉ biết gật đầu, lúc nào cũng tâng bốc
mình. Ta cần những cố vấn dám nói lên những ý nghĩ thật, có khi là những ý tưởng
ngược lại với mình. Có như vậy ta mới không rơi vào cạm bẫy của sự phiến diện
hay chủ quan. Tổng thống Hoa Kỳ Benjamin Franklin đã nói: “Những người không dám
nói ra ý nghĩ thật với ta, là những người không thể cố vấn cho ta”. Con người vốn
ưa thích những lời êm tai, những lời khen nịnh hót. Nhưng hãy nhớ: những người
khen ta là bạn ta, những người chê ta là thầy ta, còn những người nịnh bợ ta là
kẻ thù của ta vậy!
Người lãnh
đạo giỏi không phải là người làm hết mọi việc nhưng là người biết xử dụng hết mọi
người. Nguyễn Trãi trong Bình Ngô Đại Cáo đã viết: “Dân tộc ta có lúc thịnh lúc
suy, nhưng anh hùng hào kiệt thời nào cũng có”. Những anh tài hiện diện mọi lúc,
mọi nơi. Người lãnh đạo phải biết khám phá khả năng của họ, khích lệ, dẫn dắt và
kết nạp họ vào đại cuộc. Chúa vẫn thường chuẩn bị cho lãnh tụ Môi-se có tật nói
ngọng một A-rôn hùng biện để đối diện với Pha-ra-ôn trong sứ mạng giải cứu dân
tộc thoát ách nô lệ. Bạn muốn khải tượng mình thành đạt, Bạn muốn làm việc lớn
cho Chúa, thì Bạn hãy học theo Ngài trong tinh thần làm việc đồng đội!
No comments:
Post a Comment