BIẾT NGOẠI NGỮ SỐNG LÂU HƠN
Học thêm một ngôn ngữ ngoài tiếng mẹ đẻ có thể giúp ta chậm bị bịnh mất trí nhớ lúc về già. Đó là kết quả cuộc nghiên cứu của viện đại học Ghent ở nước Bỉ. Họ cho biết người chỉ nói một thứ tiếng bị chứng mất trí nhớ (Alzheimer) trung bình ở tuổi 73. Còn những ai nói được hai ngôn ngữ, sự minh mẫn của trí óc có thể kéo dài đến 77, nghĩa là hơn khoảng bốn hoặc năm năm.
Với những người có khả năng biết nhiều thứ tiếng, bịnh suy não dường như chậm lại, vì tỉ lệ tế bào dày hơn, nhờ thế sức chịu đựng của trí óc cũng dẻo dai hơn. Bệnh mất trí nhớ rất phổ biến ở người lớn tuổi được gọi theo tên nhà thần kinh học người Đức là bác sĩ Alois Alzheimer. Những ai trong lứa tuổi 45 đến 65 mắc chứng nầy người ta gọi là ‘bị lẫn sớm’. Còn thông thường cho đến trên 70, chuyện mất trí nhớ hay lẫn là do não bộ bị tê cứng bởi trí óc thoái hóa theo thời gian.
Thế giới hiện nay có hơn 30 triệu người mắc chứng Alzheimer, nhưng theo dự đoán đến năm 2050 tỉ lệ sẽ là 1/85, nghĩa là cứ 85 người thì có một người mắc phải chứng nầy. Bệnh tiềm tàng một thời gian dài mới xuất hiện. Những triệu chứng thường thấy là hay nhầm lẫn, tánh tình khó chịu, tâm trạng thay đổi, đãng trí và các giác quan bị suy giảm. Khi bộc lộ rõ ràng, bệnh nhân thường sống thêm khoảng 7 năm, cũng có người làm khổ vợ con đến 12 năm.
Điều đáng buồn là cho đến nay y học vẫn chưa nắm vững nguyên nhân và sự tiến triển của bịnh Alzheimer. Những phương pháp trị liệu chỉ giúp được một phần nhỏ. Các nhà chuyên môn khuyên mọi người nên tập thể dục đều đặn, ăn uống chừng mực, luyện trí óc bằng cách đọc sách, đánh cờ, chơi ô chữ v v…nhằm kích thích sự hoạt động và làm chậm suy thoái của não bộ.
Vì là chứng bịnh không
thể chữa khỏi nên thân nhân phải chăm sóc từng miếng ăn, giấc ngủ, có khi trong
một thời gian dài. Người ta nói mất trí nhớ là một trong những chứng bịnh tốn
kém nhất cho xã hội.
No comments:
Post a Comment