Friday, 1 September 2023

KHỔ

 KHỔ

‘Đời là bể khổ’ là câu nói trên môi của nhiều người mỗi khi gặp cảnh thương đau. Có hai cách đánh vần chữ khổ mà bạn có thể chọn. Cách thứ nhất: ‘ca hát ô khô hỏi khổ’, nghĩa là dù khổ vẫn còn có thể ca hát được, hoặc cách thứ hai: ‘khờ ô khô hỏi khổ’, khổ đến nỗi khờ luôn! Thánh Kinh có câu rằng ‘Loài người bởi người nữ sinh ra, tuổi đời ngắn ngủi, mà khổ đau chồng chất’.
Khổ là một khái niệm quan trọng của Phật giáo, là chân lý thứ nhất của Tứ Diệu Đế, gọi là Khổ Đế. Sinh là khổ, già là khổ, bệnh là khổ, chết là khổ, lo lắng, buồn rầu, tuyệt vọng là khổ, không toại nguyện những điều mình ưa thích là khổ.
Một người đến với nhà hiền triết và hỏi: ‘Tại sao người lương thiện như tôi lại thường đau khổ, trong khi những người ác lại sống cách bình an?’. Vị thầy trả lời rằng: ‘Sỡ dĩ con luôn cảm thấy đau khổ vì trong lòng con đang ôm giữ ác ý nào đó. Nội tâm của con không phải là một người lương thiện thật sự. Hãy nhớ rằng những người con cho là ác chưa hẳn là người xấu’.
Người ấy nói: ‘Con tự thấy mình là người lương thiện nhưng nỗi khổ của con thì rất nhiều. Số mệnh thật là bất công. Nhiều người học hành chẳng tới đâu mà có tiền rừng bạc bể, trong khi trí thức như con lương ba cọc ba đồng, nhà ở thì chật chội, cuộc sống bị gò ép, đến nỗi lời khuyên nói ra cũng không được ai nghe. Thật sự con không phục’.
Nhà hiền triết mỉm cười đôn hậu, trả lời: ‘Con có việc làm, nhà ở, dù không phải là lớn, nhưng chẳng chịu cảnh cơ hàn đói rách, chỉ bởi trong lòng chất chứa tham lam nên thấy mình khổ. Đó là ác tâm. Đến khi nào con vứt bỏ ác tâm đó, con sẽ đạt đến cảnh giới hài lòng. Người thất học lại phát tài, con không phục. Đây chính là tâm đố kỵ. Con tự cho mình có văn hóa cao, phải kiếm tiền nhiều, đó là tâm ngạo mạn. Đố kỵ vào ngạo mạn đều là ác tâm.
Con nghĩ rằng người học cao thì phải giàu có, đây chính là tâm ngu si, bởi văn hóa không hẳn là căn nguyên tiền của. Con lấy làm khó chịu khi người thân từ khước nghe lời con khuyên nhủ, vì tâm con không rộng lượng. Bởi mỗi người đều có tư tưởng và quan điểm riêng, sao con có thể áp đặt được? Do không rộng lượng dẫn đến hẹp hòi. Ngu si và hẹp hòi đều là ác tâm.
Lòng chất chứa những ác tâm tham lam, đố kỵ, ngạo mạn, ngu si, hẹp hòi, nên thống khổ tồn đọng trong con. Đến khi nào loại bỏ được những căn nguyên đó, đau khổ cũng đồng thời tan biến’.







No comments:

Post a Comment